Theo chuyên gia, nếu một thương hiệu như “Phở Thìn” đã đăng ký bảo hộ thành công thì những người nộp đơn sau như Phở Thìn Lò Đúc sẽ khó được chấp nhận.
Thời gian gần đây, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với các “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Trong khi ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào thì ông Đoàn Hải Trung, CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội lại khẳng định mình là Giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn.
Đồng thời, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội cũng khẳng định đã chuyển khoản cho ông Thìn gần 1,5 tỷ đồng để mở các chi nhánh kinh doanh dưới tên thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Thực tế, các công ty do ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung sở hữu đều chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đối với thương hiệu Phở Thìn. Theo công bố chính thức, tính đến ngày 26/2, tên gọi Phở Thìn xuất hiện trong 13 đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ bởi nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau.
Vì sao Phở Thìn Lò Đúc chưa đăng ký được bảo hộ nhãn hiệu?
Hà Nội hiện có hai thương hiệu Phở Thìn gồm Phở Thìn Bờ Hồ do ông Bùi Chí Thìn thành lập năm 1955 và Phở Thìn 13 Lò Đúc do ông Nguyễn Trọng Thìn thành lập năm 1979.
Năm 2005, Phở Thìn Bờ Hồ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn, theo các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 61194 và 277810. Năm 2013, sau khi hết hạn bảo hộ thương hiệu, cửa hàng tiếp tục nộp hồ sơ đăng ký. Hai năm sau, thương hiệu Phở Thìn được cấp bằng, có hiệu lực đến cuối năm 2024.
Trả lời Zing, chủ sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ) cho biết đã nắm được thông tin về việc rất nhiều bên đã vi phạm về bảo hộ nhãn hiệu của Phở Thìn. “Chúng tôi sẽ nộp đơn giám định để bên Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và xử lý những bên đã và đang vi phạm trong thời gian sớm nhất”, đại diện này cho biết.
Hiện nay, Phở Thìn Bờ Hồ là quán phở gia truyền do anh Bùi Chí Thành – cháu đích tôn đời thứ 3 của ông Bùi Chí Thìn – tiếp quản để giữ gìn và phát triển. “Chúng tôi trước giờ chưa nhận nhượng quyền thương mại, vì đây là nghề gia truyền”, chủ sở hữu nhãn hiệu Phở Thìn nhấn mạnh.
Còn với Phở Thìn 13 Lò Đúc, ông Nguyễn Trọng Thìn nhiều lần đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu tuy nhiên đều bị từ chối hoặc hồ sơ đang trong trạng thái giải quyết.
Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Văn Viễn, Ủy viên Thường vụ Hội Sở hữu trí tuệ, Giám đốc Trung tâm tư vấn Sở hữu trí tuệ và Đầu tư, cho rằng nếu thương hiệu Phở Thìn đã được cấp cho cá nhân/hộ kinh doanh (Phở Thìn Bờ Hồ – PV) thì những người nộp đơn sau như Phở Thìn Lò Đúc sẽ khó được chấp nhận đăng ký bảo hộ.
“Mỗi nhãn hiệu chỉ được bảo hộ cho một cơ sở kinh doanh, hoặc có thể chấp nhận cho 2-3 cơ sở nhưng trong trường hợp phải cùng nhau nộp đơn, cùng nhau tuyên bố sở hữu nhãn hiệu đó”, ông nói và cho biết việc đăng ký bảo hộ một thương hiệu thường rất phức tạp và dựa trên nhiều yếu tố.
Ngoài ra, theo ông Viễn, nếu một thương hiệu chưa được bảo hộ nhãn hiệu mà đã nhượng quyền thương mại sẽ nảy sinh nhiều rủi ro, nhất là trong trường hợp Cục Sở hữu trí tuệ từ chối.
“Hiện nay, việc cấp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ khó nói trước được, có đơn chờ đến tận 10 năm mới được cấp, nhưng có đơn lại mất chưa đến 2-3 năm”, ông nói thêm.
Bài học về nhượng quyền thương mại
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên về nhượng quyền thương mại, ông Nguyễn Khắc Khang, Tổng giám đốc Masterbrand, cho biết trong kinh doanh, ngoài phương thức chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, nhượng quyền thương mại cũng là một phương thức khai thác giá trị nhãn hiệu được áp dụng phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực F&B.
“Hiện nay ở Việt Nam, chỉ ông Bùi Chí Đạt và bà Bùi Thị Thanh Nhàn là đồng chủ sở hữu nhãn hiệu có tên gọi Phở Thìn cho nhóm ngành về dịch vụ nhà hàng (cửa hàng phở – PV), được cấp văn bằng bảo hộ”, ông nói.
Trong thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, chủ sở hữu có nhiều phương thức khác nhau để sử dụng và khai thác thương mại nhãn hiệu của mình như chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.
“Hiện tại, chưa tìm thấy các thông tin về việc hai chủ sở hữu này có chuyển giao/hay nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn. Bởi việc chuyển giao quyền sử dụng đối với nhãn hiệu hiện nay không phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ như quy định trước đây nhưng việc chuyển nhượng thì vẫn phải đăng ký”, ông nói.
Trong câu chuyện Phở Thìn hiện nay, nếu chủ sở hữu (người được pháp luật bảo hộ) có phương án bảo vệ, xử lý xâm phạm khi được cấp văn bằng bảo hộ để đảm bảo trên thị trường chỉ có cá nhân/hộ kinh doanh được khai thác, sử dụng độc quyền tên gọi Phở Thìn sẽ không có những lùm xùm như hiện nay.
“Việc có những thông tin lùm xùm tranh chấp này, dù muốn hay không cũng sẽ tác động không nhỏ đến việc khai thác của chủ sở hữu, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến cả các bên khác”, ông Khang nói.
Ở một khía cạnh khác, ông cho rằng nếu các tổ chức, cá nhân khác khi có ý định sử dụng nhãn hiệu nhưng phát hiện đã được bảo hộ cho chủ sở hữu khác thì nên tránh việc đầu tư kinh doanh đối với tên gọi này để dẫn đến hậu quả pháp lý khi tranh chấp hoặc bị xử lý xâm phạm.
Nói với Zing, ông Hoàng Tùng – chuyên gia ngành F&B – cho rằng phần lớn thương hiệu trong ngành dịch vụ và ăn uống đang rao bán nhượng quyền trên thị trường đều chưa đủ điều kiện.
Trước hết do mô hình kinh doanh chưa được chứng minh, sản phẩm chưa được đóng gói để chuyển giao vận hành, thương hiệu chưa được đăng ký bảo hộ và cuối cùng là nhân sự chưa được đào tạo chuẩn mực…
“Bên bán nhượng quyền cần thực hiện rất nhiều thứ trước khi sẵn sàng bán nhượng quyền. Bên mua cũng cần thẩm định kỹ trước khi xuống tiền mua”, ông nói.
(Nguồn: Thanh Thương – Zingnews)