Bảo đảm hậu kiểm chặt chẽ trong thẩm định giá

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá nhằm bảo đảm hậu kiểm đầy đủ và chặt chẽ trong tiến hành công tác này, góp phần phòng ngừa trường hợp thông đồng, thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.

Tăng cường trách nhiệm của thẩm định viên

Quy định về dịch vụ thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá, thẩm định giá của Nhà nước… là những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách quan tâm khi cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong dự án Luật Giá (sửa đổi). Bởi, qua nghiên cứu một số vụ án liên quan đến vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP. Hồ Chí Minh) nhận thấy, đều có liên quan đến việc thẩm định giá. Một điểm chung của các vụ án này, đặc biệt là trong môt số vụ án trong lĩnh vực y tế, đã có việc thổi giá đối với các thiết bị, phương tiện, hàng hóa về y tế giá rất cao. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, là do lỗ hổng trong quy định của Luật Giá hiện hành (Điều 29 và Điều 42) trao cho thẩm định viên rất nhiều quyền và không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người độc lập thẩm định giá.

Ghi nhận hạn chế trong quy định tại Điều 29 và Điều 42 của Luật Giá hiện hành đã được cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi khá cơ bản tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), phần nào khắc phục được bất cập nêu trên, song đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng chỉ rõ, tại các Điều 47 và Điều 53 của dự thảo Luật quy định quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên cần cân nhắc quy định “thẩm định viên về giá không chịu trách nhiệm về báo cáo kết quả thẩm định giá khi khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản thẩm định giá” (điểm c, khoản 1, Điều 47). Bởi, từ các vụ án trong thời gian qua đã cho thấy, có tình trạng giữa người cung cấp thông tin về hàng hóa với thẩm định viên có sự thông đồng, dẫn đến tình trạng thổi giá, giá không chính xác. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần có cơ chế kiểm soát, bảo đảm chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong thẩm định giá. Quy định như dự thảo Luật thì chưa có chế tài cao đối với trách nhiệm của thẩm định viên.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng lưu ý, tại điểm c khoản 2 Điều 47 quy định thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình, báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Ông cho rằng, quy định này chỉ đúng một phần đối với tất cả những hàng hóa thuộc các gói thầu mở rộng mà không phải chỉ định thầu bắt buộc hay chỉ định thầu theo góc độ chỉ định thầu liên quan đến Điều 23 của dự thảo Luật về chỉ định thầu.

Để khắc phục lỗ hổng này, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị, bổ sung thêm quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, không chỉ dừng ở phải báo cáo khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Quy định ràng buộc và chặt chẽ như vậy sẽ bảo đảm phòng ngừa các hành vi vi phạm, góp phần bịt kín được các sơ hở trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu và đấu giá.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu như ràng buộc trách nhiệm của thẩm định viên trong vấn đề xác minh thông tin sẽ rất rủi ro cho thẩm định viên. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện nội dung này, bảo đảm vừa ràng buộc trách nhiệm, vừa giải trừ trách nhiệm pháp lý cho thẩm định viên trong những trường hợp xác định được có sai phạm từ bên cung cấp thông tin.

Rà soát quy định về Hội đồng thẩm định giá

Về vấn đề Hội đồng thẩm định giá, theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) xây dựng theo nguyên tắc từng cá nhân, tổ chức, cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với công việc mà mình thực hiện. Tổ chức thẩm định (Hội đồng thẩm định giá của Nhà nước) phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan với kết quả thẩm định đưa ra, bảo đảm tuân thủ chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam. Kết quả thẩm định giá mang tính chất cung cấp căn cứ, thông tin, tư vấn cho người có thẩm quyền xem xét, quyết định giá tài sản.

Mặc dù kết quả thẩm định giá không mang tính bắt buộc phải thực hiện, song là một trong những cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, phê duyệt giá tài sản. Do vậy, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) thể hiện theo hướng Hội đồng thẩm định, từng thành viên Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả thẩm định không chính xác, trung thực. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh (TP. Hà Nội) băn khoăn khi Điều 60 của dự thảo Luật quy định, Hội đồng thẩm định giá có tối thiểu 3 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người thành lập Hội đồng thẩm định giá; có ít nhất là 50% thành viên, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng có các chứng nhận về chuyên môn. Trong khi đó, cũng tại Điều 60 quy định trách nhiệm của thành viên Hội đồng thẩm định giá rất nặng, thành viên Hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ phải tuân thủ trình tự, thủ tục thẩm định giá theo quy định, phải bảo đảm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng về tính đầy đủ, chính xác đối với kết quả thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến, nhận định, đánh giá của mình và phải cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thẩm định giá.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, quy định như vậy sẽ rất khó khăn đối với những công chức, viên chức được phân công tham gia vào Hội đồng thẩm định giá nhưng không có chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ này. Thay vì quy định như dự thảo Luật, ông đề nghị sửa lại theo hướng quy định tất cả các thành viên của Hội đồng thẩm định giá đều phải có chuyên môn, trong trường hợp cần thiết có thể thuê thẩm định giá bên ngoài, tránh trường hợp trong Hội đồng thẩm định giá có các thành viên không có chuyên môn nhưng phải chịu trách nhiệm đối với ý kiến thẩm định giá, qua đó sẽ nâng cao chất lượng thực hiện.

Hội đồng thẩm định giá hiện nay ở địa phương khi định giá đất mời đại diện tất cả các thành phần tham gia, cả công an, Hội đồng Nhân dân, thanh tra… để cảm thấy yên tâm. Nhưng thực sự kết quả thẩm định có bảo đảm, chất lượng của Hội đồng thẩm định có bảo đảm không? Đưa ra thực tế này, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị cần nghiên cứu, rà soát quy định về nội dung Hội đồng thẩm định giá tại dự án Luật Giá (sửa đổi) để bảo đảm chặt chẽ và rõ ràng.

(Theo : Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân || Thứ Năm, 06/04/2023, 18:16)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *